Không khí Tết đang rục rịch gõ cửa từng nhà, mùa xuân đang chuẩn bị len lỏi tràn về khắp các miền Tổ quốc. Xuân sang, khắp mọi vùng miền trên cả nước đều rộn ràng đón Tết cổ truyền.
Hoa mơ, hoa mận báo hiệu một mùa xuân nữa lại về – Ảnh: sưu tầm
1. Người Lô Lô đi ăn trộm lấy may
Người Lô Lô sinh sống chủ yếu trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Trong đời sống tinh thần từ nhiều đời nay người Lô Lô vẫn giữ cho mình một tập tục lạ gọi là “khù mi” (ăn cắp lấy may). Họ quan niệm rằng vào thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì đó thì năm mới đến gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra. Chính vì điều này mà vào tối 30 Tết, mỗi gia đình sẽ phải đi ăn trộm cái gì đó và phải ấy cho đủ con số 12. Đó là con số tương ứng với 12 tháng trong năm tới sẽ may mắn. Những vật mà họ ăn trộm thường không có giá trị lớn, họ thường lấy những thứ như ngô, củ hành, củ tỏi hay hoa quả…, miễn sao họ lấy đủ số cần cho mỗi loại là được. Thậm chí người nào ăn trộm được càng nhiều thì gia đình đó sẽ càng gặp được nhiều may mắn.
Người dân tộc Lô Lô ở Hà Giang – Ảnh: sưu tầm
Người đi ăn trộm phải thật khéo léo, không nên để chủ nhà phát hiện ra. Bởi nếu bị bắt, người đó mà chưa lấy đủ số lượng đồ thì sẽ phải bỏ chạy và năm sau, tháng ứng với những con số phải bỏ chạy đó thì phải kiêng kỵ không được làm những công việc lớn do sợ rủi ro. Trong tối 30 Tết, người đi lấy may không đi công khai, cũng không rủ ai đi cùng. Từng người cứ âm thầm đi, gặp người quen cũng không chào hỏi để tránh việc trộm đồ diễn ra không được suôn sẻ.
2. Tục vỗ mông của người Mông
Người Mông vẫn luôn giữ cho mình rất nhiều phong tục tập quán riêng trong dịp Tết cổ truyền. Đặc sắc nhất có lẽ là lễ hội cầu phúc Sải Sán diễn ra vào ngày mùng 2 tết âm, trong đó tục “vỗ mông” được coi là nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu.
Theo phong tục xưa, vào ngày này, trai gái trong bản trang điểm ăn vận xinh đẹp rồi nô nức đi đến những bãi đất rộng, khoảng trống dưới các chân núi để vui chơi, tâm tình. Họ đi thành từng tốp, gặp nhau chúc tụng đầu năm. Các chàng trai mạnh mẽ trong trang phục truyền thống và thể hiện bản lĩnh của mình qua các trò chơi truyền thống như: đẩy gậy, kéo co, múa khèn…Các thiếu nữ miền sơn cước thì thướt tha trong tà áo mới, e lệ trong những câu hát giao duyên, trữ tình.
Tục vỗ mông thường diễn ra vào thời tiểm tết cổ truyền – Ảnh: sưu tầm
Khi du xuân, nếu chàng trai nào để mắt tới người họ thích thì anh ta sẽ tiến lại gần và vỗ vào mông người đó. Cô gái được chọn mà cũng vừa lòng thì sẽ vỗ lại vào mông “người ấy” lần nữa. Cứ như thế cho đến khi cả hai vỗ qua, vỗ lại cho đủ 9 lần thì tức là cả hai đã đồng thuận và chỉ đợi ngày để nên duyên vợ chồng.
3. Người Thái trắng gội đầu bằng nước gạo chua
Vào chiều 30 Tết, người Thái trắng ở Sơn La có tục gội đầu bằng nước gạo chua để xua đi tất cả những gì không may mắn trong năm . Tất cả mọi người, từ già làng, trưởng bản, gái trai, già trẻ đều hò nhau xuống bến sông để tổ chức lễ gội đầu. Họ chuẩn bị những bát nước gạo đã được ngâm cho chua rồi xối từ từ lên tóc, đó được coi là sự gột rửa để ngày mai khi bước vào năm mới mọi thứ sẽ thật tinh tươm và tươi mới.
Gội đầu bằng nước gạo chua là phong tục lâu đời, quan niệm sẽ đem lại nhiều may mắn. – Ảnh: sưu tầm
Tiến tới một năm mới, mọi người trong thôn bản đều phải gội đầu để để rửa trôi những vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương, nhọc nhằn… Những thứ này sẽ trôi theo dòng nước đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu con người có sức khoẻ, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt. Lễ gội đầu kết thúc là đến cuộc vui đua thuyền giữa nam và nữ.
4. Đón giọng gà của người Pu Péo
Ngày tết cũng là dịp người trong bản tụ tập giao lưu, múa hát – Ảnh: sưu tầm
Người dân tộc Pu Péo ở Hà Giang có quan niệm, trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ai đón giọng gà hay cướp được giọng gà thì sang năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, vạn sự như ý.
Chính vì điều này mà đêm 30 Tết khi thời khắc giao thừa sắp tới, những chàng trai dân tộc Pu Péo phải canh chừng bên những chú gà trống. Khí thấy những chú gà vừa vỗ cánh, chuẩn bị gáy à các chàng trai phải đốt pháo rồi ném vào trong chuồng gà. Lũ gà sẽ giật mình và nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lúc này những người còn lại trong gia đình và hàng xóm xung quanh sẽ cùng nhau hát múa vang trời để át đi tiếng gà gáy.
5. Thờ bát nước lã của người Pả Thẻn
Người Pả Thẻn sinh sống ở Hà Giang có một phong tục rất lạ kỳ đó là thờ bát nước lã quanh năm trên ban thờ gia tiên. Bát nước này sẽ được đậy kín. Vào cuối tháng 6 tức là giữa năm, gia chủ mới được phép mở ra xem để tiếp thêm nước lã cho đầy bát để đợi đến Tết.
Thầy mo người Pả Thẻn làm lễ cúng cầu may mắn cho mọi làng, bản – Ảnh: sưu tầm
Vào đêm 30 Tết, các nhà trong bản đề phải bịt kín tất cả các cửa ra vào, lỗ thông khí. Trong lúc đóng cửa cài then, gia chủ sẽ bí mật nấu một nồi cháo gà để mọi người trong gia đình ăn. Ăn cháo xong xuôi, gia chủ mới lấy bát nước lã để trên ban thờ xuống cọ rửa và thay nước mới để cúng cho năm tiếp theo. Việc họ phải giữ bí mật việc thờ cúng, ăn uống trong nhà như thế này là do tín ngưỡng lâu đời của bà con. Họ quan niệm rằng nếu để việc này lộ ra ngoài thì trong năm mới gia đình sẽ làm ăn vất vả, con cái sẽ ốm đau bệnh tật, mọi việc không được hanh thông.
Nếu như bạn đi du lịch vào dịp Tết tại các vùng núi cao phía Bắc thì hãy tìm hiểu một chút về những phong tục tập quán đặc thù ở vùng đất mình đến để có thể dễ dàng hóa nhập và giúp cho chuyến đi du xuân được hoàn hảo hơn. Nếu như có dịp được trong thấy những phong tục tập quán độc đáo thì đó cũng sẽ là những trải nghiệm thú vị mà không phải chuyến đi nào bạn cũng dễ dàng bắt gặp đâu.