Mỗi năm hàng triệu người từ khắp nơi đổ về Lào để tham dự Tết té nước Bunpimay. Cố đô Luang Prabang và Vang Vieng là hai nơi được du khách tìm đến nhiều nhất.
Tết té nước là lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của người Lào. Sự kiện diễn ra vào tháng 4 hàng năm theo Phật Lịch, đây cũng là thời điểm đông khách nhất ở xứ sở triệu voi. Năm nay, lễ hội kéo dài từ 14 tới 16/4.
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Giống lễ hội Songkran ở Thái Lan, Thingyan ở Myanmar hay Chol Chnam Thmey ở Campuchia, thay cho lời chúc may mắn đầu năm, người dân ở Lào sẽ té nước vào nhau để chúc phúc, cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu cho một năm mới ấm no.
Theo truyền thống, trước khi té nước vào nhau, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ té nước vào những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng.
Người Lào không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, vật nuôi và công cụ sản xuất. Họ tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều. Với du khách, cố đô Luang Prabang và Vang Vieng là hai điểm đến nổi tiếng nhất ở Lào vào Tết té nước.
Tại Luang Prabang, nơi có nhiều chùa chiền và là khu du lịch nổi tiếng, du khách sẽ được tận hưởng không khí lễ hội rõ nét với nhiều trò chơi thú vị.
Việt Nam và Lào có đường biên giới dài hơn 2.000 km với 7 cửa khẩu quốc tế, việc đi lại giữa hai nước khá thuận tiện bằng cả đường bộ và đường hàng không.
Hiện tại từ Hà Nội, TP HCM đều đã có các hãng hàng không khai thác đường bay đến thủ đô Viêng Chăn của Lào. Từ Hà Nội, du khách có thể bay thẳng đến Viêng Chăn qua Lao Airlines hoặc Vietnam Airlines. Giá vé khứ hồi từ 1,5 triệu đồng tùy thời điểm, thời gian bay khoảng hơn một giờ.
Hiện TP HCM và Đà Nẵng chưa khai thác đường bay thẳng đến Lào, du khách phải quá cảnh tại Hà Nội, Phnom Penh, Bangkok… giá vé khứ hồi trung bình từ 3,5 triệu đồng.
Nguồn ảnh: Sưu tầm
So với đường hàng không, từ Việt Nam, du khách vào Lào bằng đường bộ có nhiều lựa chọn hơn.
• Kon Tum: Từ huyện Ngọc Hồi, bạn có thể bắt xe đi thẳng đến Pakxe của tỉnh Champasack của Lào.
• Đà Nẵng: Bạn có thể đến bến xe Đà Nẵng để mua vé đi Lào. Mỗi ngày đều có một chuyến đi Lào xuất phát lúc 8h theo lộ trình Đà Nẵng – Huế – Đông Hà – Lao Bảo (đường 9 Nam Lào). Từ đây du khách có thể đón xe đi Paksé, Savannakhet hoặc Viêng Chăn.
Từ Hà Nội, việc đi lại dễ dàng hơn so với từ TP HCM. Mỗi ngày đều có xe đi Viêng Chăn, Savanakhet, giá vé trung bình từ 350.000 – 400.000 đồng một người. Thời gian di chuyển khoảng 12 tiếng đồng hồ.
Đến Lào, du khách có thể thuê xe máy, taxi, hoặc tuk tuk để di chuyển, tuy nhiên xe máy là lựa chọn được du khách yêu thích hơn cả.
Tết té nước diễn ra trên khắp đất nước Lào nhưng cố đô Luang Prabang và Vang Vieng là hai nơi tập trung nhiều du khách nhất. Dịch vụ lưu trú ở đây cũng rất phong phú, đặc biệt là ở Luang Prabang, du khách có nhiều lựa chọn từ những khách sạn cao cấp đến nhà nghỉ bình dân hoặc homestay dân dã theo phong cách truyền thống.
Giá phòng ở Lào không quá đắt, du khách có thể dễ dàng tìm thấy nhiều khách sạn có giá từ vài trăm nghìn một đêm. Cao cấp hơn là những khách sạn 3-5 sao, giá từ vài triệu đồng, tùy chất lượng.
Vào dịp lễ, tết du khách nên đặt phòng từ sớm. Giá các khu nghỉ những ngày này có thể tăng gấp đôi.
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Theo truyền thống của người Lào, tết Bunpimay thường diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên cũng là ngày cuối của năm cũ, người ta lau dọn nhà cửa sạch sẽ. Buổi chiều, người dân lên chùa làm lễ cúng Phật.
Ngày thứ hai là thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới, bất cứ khách nào đến xông nhà hay thăm chùa đều được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe.
Lễ hội té nước được du khách mong chờ nhất sẽ bắt đầu vào ngày thứ ba với nhiều hoạt động diễn ra trên khắp đất nước. Việc té nước bắt đầu vào 8h sáng và kết thúc lúc 16h chiều, trước khi mặt trời lặn.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, du khách có thể lên chùa cúng Phật, cầu bình an. Hội té nước là hoạt động cộng đồng diễn ra khắp các đường phố, du khách có thể dễ dàng hòa mình vào đám đông và tham gia cùng người dân địa phương.
Ngoài ra, Tết té nước còn có nhiều hoạt động cộng đồng hấp dẫn như: lễ cúng Phật, tắm Phật, rước Phật, đua thuyền trên sông, xây tháp cát. Cát được đưa đến sân chùa và trang trí trước khi dâng cho các nhà sư để tỏ lòng thành kính. Tháp cát được trang trí bằng cờ, hoa, dây vải trắng và vẩy nước thơm.
Nếu ở Lào trong những ngày tết này, bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những lời chúc bằng nước và cất chiếc máy ảnh cẩn thận bởi lúc nào bạn cũng có thể bị té ướt từ đầu đến chân, kể cả đang lái xe hay đi bộ trên phố. Cách tốt nhất và cũng vui nhất là hãy hòa mình vào dòng người vui nhộn với đủ dụng cụ đựng nước để té nước và bị té trong lễ hội tuyệt vời nhất trong năm. Không té nước vào nhà sư.
Không té nước bẩn, nước lạnh lên người xung quanh.
Nên dùng túi chống thấm để bảo vệ đồ đạc và các thiết bị điện tử.
Nên dùng các phương tiện công cộng để di chuyển vì trong thời gian diễn ra lễ hội giao thông thường bị ách tắc.
Xôi nóng và lạp xưởng là hai món truyền thống của người Lào trong dịp Tết té nước