KINH NGHIỆM DU LỊCH CAO BẰNG TỪ TÚC TỪ A-Z
Cao Bằng không chỉ nổi tiếng và thu hút các du khách đến đây bởi các địa danh mang đậm tính lịch sử như hang Pắc Pó hay suối Lê-nin mà còn thu hút du khách bởi phong cảnh núi rừng hùng vĩ, những cung đường quyến rũ và những danh thắng tuyệt đẹp. Để có một chuyến đi du lịch Cao Bằng trọn vẹn, các bạn hãy cùng Vietmountain Travel tham khảo những kinh nghiệm du lịch Cao Bằng rất hữu ích dưới đây nhé.
THỜI ĐIỂM LÝ TƯỞNG ĐI DU LỊCH CAO BẰNG
Khí hậu tại Cao Bằng chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 và mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Một số thời điểm cụ thể như sau:
+ Nếu như bạn có ý định du lịch thác Bản Giốc thì nên đi vào khoảng tháng 8-9, lúc này thác nhiều nước sẽ rất đẹp.
+ Nếu bạn muốn đi Cao Bằng ngắm hoa, các bạn có thể đi vào tầm cuối năm khoảng tháng 11, lúc này là mùa hoa Tam Giác Mạch (tương đương với mùa hoa Tam Giác Mạch ở Hà Giang)
+ Nếu như bạn thích ngắm băng tuyết, các bạn nên đi vào mùa đông (cuối năm trước đến khoảng đầu năm sau), thời điểm này ở phía rừng Pia Oắc nhiệt độ hạ thấp nên rất có thể xảy ra hiện tượng này.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN ĐẾN CAO BẰNG
Có 3 lộ trình để du khách đến với Cao Bằng:
+ Lộ trình thứ nhất: Du khách đi theo đường Quốc lộ 3 “Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng”. Lộ trình này đường đã dễ đi, xe chạy theo đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, sau đó chạy đường tránh (cao tốc) Thái Nguyên – Bắc Kạn. Theo lộ trình này xe du lịch chạy hết 5-6 giờ.
+ Lộ trình thứ hai: Bạn đi theo hướng “Hà Nội – Lạng Sơn – Cao Bằng”, lộ trình này xe chạy theo cao tốc Hà Nội – Lạng sơn, sau đó chạy theo quốc lộ 4 đến Cao Bằng. Lộ trình này, bạn sẽ được trải nghiệm đèo Bông lau lịch sử và di tích nhà tù thực dân và đế quốc mỹ tại xã Vân Trình huyện Đông Khê.
+ Lộ trình thứ ba: Du khách đi từ “Hà Nội – Hà Giang – Cao Bằng”, theo lộ trình này bạn sẽ được trải nghiệm khu cao nguyên đá Đồng Văn, dòng sông Gâm thơ mộng, khu du lịch sinh thái Tinh Túc – Phia Đén – Phia Oắc với cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ, cây cối xanh tươi, chim chóc hót líu lo suốt chặng đường.
Có 3 hình thức để đi du lịch đến Cao Bằng:
– Đi bằng xe khách: Các bạn có thể lựa chọn đi xe ghế ngồi hoặc giường nằm, mất khoảng 5h để đi từ Hà Nội lên Cao Bằng. Xe giường nằm có nhà xe Vĩnh Dung, Khánh Hoàn, Thanh Ly, Bốn Hai; khởi hành từ Hà Nội vào buổi tối, giá vé từ 180k – 200k. Xe ghế ngồi thì có nhà xe Lương Sùng, Hiền Lợi; khởi hành buổi sáng, giá vé khoảng 160k.
– Đi bằng xe máy: Nếu bạn là người muốn trải nghiệm đường trường bằng xe máy cho cơ động và cũng tiện cho việc khám phá các cảnh quan tuyệt đẹp của Tuyệt tình Cốc, Hồ Thanh Hen hay chinh phục Núi Phja Oắc đều thuận lợi. Tuy nhiên đường lên Cao Bằng có khá nhiều đèo dốc quanh co và có nhiều xe tải cỡ lớn, nên du khách cần có nhiều người đi cùng và tuyệt đối đừng bao giờ lấn đường để giữ an toàn trong chuyến hành trình chinh phục và khám phá danh lam thắng cảnh non nước hữu tình của tỉnh Cao Bằng.
– Đi du lịch Cao Bằng theo tour: Nếu như bạn qua bận rộn về thời gian để đi đến Cao Bằng và tìm chỗ ăn uống nghỉ ngơi khi đến Cao Bằng thì một chuyến du lịch theo tour do các công ty du lịch tổ chức sẽ là một sự lựa chọn thích hợp và tiết kiệm nhất.
DU LỊCH CAO BẰNG Ở ĐÂU?
Những nhà nghỉ, khách sạn tại Cao bằng tập trung chủ yếu ở trung tâm thành phố, nhưng giá phòng lại tương đối rẻ, chỉ khoảng từ 250.000VNĐ là bạn đã thuê được phòng chất lượng, tiện nghi khi du lịch Cao Bằng rồi. Dưới đây là 1 số gợi ý tuỳ theo địa điểm mà bạn muốn tham quan để chọn khách sạn thuận tiện:
+ Ở trung tâm Cao Bằng: Khách sạn Đức Trung, Bằng Giang, Hoàng Anh, Ánh Dương, Hoàng Long. Nếu muốn lựa chọn homestay tại trung tâm thành phố thì có thể lựa chọn Primrose Homestay Cao Bang.
+ Ở Trùng Khánh: Nhà nghỉ Hoàn Lê, nhà nghỉ Thiên Tài, nhà nghỉ Đình Văn
+ Thác Bản Giốc: Nhà nghỉ Đình Văn 2
CÁC ĐIỂM DU LỊCH NÊN ĐI KHI ĐẾN CAO BẰNG
1. Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó
Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, nằm sát biên giới Việt – Trung, cách thành phố Cao Bằng hơn 50km. Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc qua cột mốc 108. Người đã chọn Pác Bó làm nơi ở và hoạt động cách mạng trong nhiều năm tháng của những năm 1941 – 1945. Tại đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện về chính trị và quân sự cho các cán bộ cách mạng tỉnh Cao Bằng, dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô ra tiếng Việt, soạn thảo và xuất bản các tài liệu cách mạng.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhưng Khu di tích vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước. Khu di tích Pác Bó vẫn duy trì hoạt động, công tác bảo tồn và phát huy tác dụng ngày càng được quan tâm, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan khu di tích ngày càng đông…
2. Suối Lê Nin, núi Các Mác
Suối Lê-nin nằm trong quần thể di tích lịch sử Pác Bó. Mang ý nghĩa lịch sử cách mạng, suối Lê-nin dường như không dành được sự quan tâm quá nhiều của các bạn trẻ vốn đang say mê hướng về những địa danh nổi tiếng đậm chất phiêu lưu. Tuy nhiên, dòng suối nguồn như một viên ngọc với một màu xanh rất lạ, vẻ đẹp thiên nhiên trời phú tuyệt đẹp giữa núi rừng Đông Bắc, nơi địa đầu của tổ quốc, sẽ khiến cho dân xê dịch thích sự thanh bình và êm ả.
3. Hang Cốc Bó
Hang Cốc Bó (trong tiếng Nùng, Cốc Bó có nghĩa là “đầu nguồn”) là một hang đá nằm bên sườn núi Các Mác, ở gần chỗ dòng nước chảy ngầm ra từ trong núi thành suối Lê Nin địa thế hiểm trở. Hang ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ… Trước năm 1979 hang rộng khoảng 15m³. Bác Hồ từng ghi lại trên vách đá dòng chữ: “Ngày 8 tháng 2 năm 1941”, ghi lại ngày Bác đến ở trong hang này. Trong lòng hang tối tăm, ẩm tấp, nhỏ hẹp và lạnh, nằm sâu trong khe núi, thời đó không mấy ai để ý tới.
Trong hang còn lại chiếc giường Bác nằm nghỉ và cũng là chỗ làm việc của Bác. Đó là tấm ván cũ, đã nức nẻ. Sâu bên trong là tượng Các Mác bằng thạch nhũ mà năm xưa Bác Hồ đã đặt tên.
4.. Di tích mộ anh hùng liệt sỹ Kim Đồng
Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền) sinh năm 1929. Ngày 15/5/1941, đồng chí Đức Thanh là cán bộ cách mạng quyết định thành lập Đội nhi đồng cứu quốc tại làng Nà Mạ, gồm có 4 đội viên: Kim Đồng, Cao Sơn, Thanh Thuỷ, Thuỷ Tiên do Kim Đồng làm đội trưởng.
5 giờ sáng ngày 15/2/1943, trong lúc đang làm nhiệm vụ canh gác cuộc họp của ban Việt Minh, khi phát hiện giặc lùng sục đến gần, Kim Đồng đã nhanh trí đánh lạc hướng để bảo vệ cán bộ cách mạng, địch nổ súng, Kim Đồng bị trúng đạn và đã hy sinh, khi đó vừa tròn 14 tuổi.
5. Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia. Thác Bản Giốc được hình thành từ dòng sông Quây Sơn được bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy vào việt Nam tại cửa khẩu Pò Peo thuộc xã Ngọc Côn, chảy qua các xã Ngọc Khê, Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thủy dòng sông chia thành nhiều nhánh rồi tụt xuống ở độ sâu khoảng 35m tạo thành thác Bản Giốc hùng vĩ. Vào mùa mưa, dòng thác đổ xuống ào ào vang xa khắp thung lũng, những hạt nước nhỏ li ti bay trong không trung tạo thành mây mù giữa núi rừng và cánh đồng lúa xanh bát ngát. Tất cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình thu hút du khách thập phương đến đây tham quan, tận hưởng cảnh đẹp say đắm lòng người.Thác Bản Giốc là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng trong hành trình Du lịch tại Cao Bằng.
6. Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc – ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt xây dựng. Tháng 06/2013, Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc được khởi công tại núi Phia Nhằm cách thác Bản Giốc 500m. Các hạng mục của chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc như Tam quan chùa, lầu tượng Bồ Tát, Tam bảo, nhà tổ… được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo truyền thống Việt Nam.
7. Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao theo tiếng dân tộc Tày là Hang Hổ, theo truyền thuyết, tiếng suối chảy trong động phát ra nghe như tiếng gầm rú của hổ dữ nên người dân địa phương đặt tên động là Ngườm Ngao. Động có chiều dài trên 2000m, trong động có nhiều nhũ đá, măng đá với nhiều hình khối khác nhau như đài sen, cột đá cô đơn, thác vàng, thác bạc và muôn vàn nhũ đá lớn nhỏ đã tạo nên một cung điện thần tiên trong lòng núi đẹp lộng lẫy, nguy nga và tráng lệ. Theo thuyết minh của hướng dẫn viên du lịch thì động Ngườm Ngao mới đưa vào khai thác du lịch được 1/3 chiều dài của hang động, còn 2/3 chiều dài của hàng vẫn chưa được đưa vào khai thác. Động Ngườm ngao nằm trong quần thể du lịch Bản Giốc của Cao Bằng.
8. Hồ Thăng Hen
Hồ Thang Hen hay còn gọi là hồ Đuôi Ong là một hồ nước tự nhiên được hình thành bởi các dòng sông ngầm và hang cacxtơ, Hồ Thang Hen nằm lọt thỏm giữa thung lũng bao quanh là các dãy núi đá vôi tại xã Quốc Toản huyện Trà Lĩnh. Hồ có độ cao so với mực nước biển trên 1000m và có chiều rộng 100-200m chiều dài 500-1000m tùy theo mực nước mùa khô và mùa mưa. Nhìn từ trên cao xuống mặt hồ được ví như viên Ngọc Bích khổng lồ bởi màu nước xanh ngắt đến lạ kỳ.
Vào mùa mưa nước hồ không đổi màu vẫn trong xanh như thường lệ. Những hàng cây lớn nhỏ quanh hồ đua nhau tỏa bóng xuống mặt hồ tạo nên một bức tranh sơn thủy bậc nhất Việt Nam.
DU LỊCH CAO BẰNG VÀ NHỮNG MÓN ĂN KHÔNG THỂ BỎ QUA
1. Bánh coóng phù (Bánh trôi)
Coóng phù được làm từ gạo nếp ngon lẫn một ít gạo tẻ. Nhân bánh là lạc rang giã nhỏ, có thể trộn thêm đường và hạt vừng. Những viên coóng phù thường có màu trắng tinh, nhiều người trộn bột với gấc hoặc ngâm gạo với lá cẩm, lá dứa để tạo thêm màu sắc mới lạ, vị và mùi thơm khác nhau. Hoàn toàn không có chất tạo màu tạo mùi hóa học.
2. Bánh cuốn
Bánh cuốn Cao Bằng đặc biệt nhất ở nước dùng. Không như người Hà Nội, Hà Nam chấm bánh vào nước mắm gia giảm chua ngọt, người Cao Bằng nhúng bánh cuốn trong thứ nước dùng ninh từ xương ngọt ngào. Cũng bởi lẽ đó nên nhiều người cũng gọi bánh cuốn Cao Bằng là bánh cuốn canh, để phân biệt với loại bánh cuốn chấm nước mắm của người miền xuôi. Nước canh ninh từ xương lợn từ tối hôm trước, nên khi chan ra bát là thấy rõ hương tủy xương thơm lựng, ngọt lịm. Mỗi bát nước dùng lại được thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành hoa mỡ màng mà mướt mát.
3. Bánh áp chao
Mùa đông ở Cao Bằng có một món ăn rất đặc biệt, được bày bán nhiều trong các quán nhỏ hoặc vỉa hè. Bánh có vẻ bề ngoài khá giống bánh rán nhưng phần nhân được làm từ thịt vịt chứ không phải thịt lợn băm, mộc nhĩ hay đỗ xanh như bánh rán bình thường. Người Cao Bằng gọi đó là bánh áp chao, hay còn gọi là bánh vịt chao.
4. Bánh trứng kiến (Pẻng Rày)
nh trứng kiến là một trong những món bánh độc đáo của người Tày vùng núi Đông Bắc nước ta, mạn Bắc Kạn, Cao Bằng. Nguyên liệu chính để làm nên món bánh này chính là trứng kiến. Loại bánh này thường chỉ được làm vào khoảng thời gian nhất định cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm bởi đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.
5. Phở chua
Phở chua là đặc sản của vùng đất Cao Bằng, góp phần làm phong phú cho nét văn hóa ẩm thực của các tỉnh miền núi phía Bắc. Phở chua với nhiều gia vị, thành phần như thịt ba chỉ rán giòn màu vàng sậm đẹp mắt, khoai tầu (củ to, bở và ngọt chỉ có ở tỉnh Bắc Cạn và Cao Bằng) được cắt sợi chiên giòn, gan lợn cắt mỏng, dạ dày lợn được làm sạch sau đó luộc qua rồi mới đem rán, thịt vịt quay béo tròn, trong bụng tẩm ướp các loại gia vị và đặc biệt không thể thiếu hương vị của lá móc mật. Bánh phở Cao Bằng thơm, dai, khó lẫn với những địa phương khác vì được làm từ gạo Cao Bằng ngọt mà dẻo.
6. Vịt quay 7 vị
Vịt quay 7 vị là đặc sản ở Cao Bằng. Được gọi là món vịt quay 7 vị vì người Cao Bằng đã dùng 7 loại gia vị khác nhau để ướp món thịt vịt.
Bên trong từng miếng vịt quay là một mùi hương ngai ngái như mùi lá non, vị hơi đắng nhưng càng ăn càng ngọt thịt. Đó là do 7 thứ gia vị được lấy từ trong bụng vịt. Nhiều người từng được nếm qua đều đoán rằng trong các thứ gia vị ấy, có rất nhiều vị như là rễ, lá của cây được mang về từ trên rừng. Do đó, nhiều người muốn học được cách làm vịt quay Cao Bằng nhưng đều không thể có được mùi vị đặc trưng ấy.
7. Xôi trám Cao Bằng
Lên Cao Bằng, ta sẽ gặp món xôi trám ở khắp nơi, từ nhà hàng sang trọng, tiệc cưới hỏi cho tới những bữa ăn ấm cúng dịp cuối tuần của các gia đình. Không giống như những loại xôi khác, xôi trám có vị thơm dịu dàng của nếp nương hòa với mùi thơm ngai ngái của trám rừng. Vị bùi của trám bao lấy những hạt nếp dẻo mọng, ăn hoài không ngấy và đặc biệt không có cảm giác bị nóng cổ dù ăn rất nhiều.
Ngoài ra các bạn có thể thử thêm 1 số món ăn khác của Cao Bằng như: Cá chiên sông Gâm, cá Trầm Hương (Bản Giốc), rau dạ hiến.
MỘT SỐ CHÚ Ý KHI DU LỊCH CAO BẰNG
Có một vài phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng mà các bạn cần biết để tránh các điều kiêng kị, nhất là khi vào thăm các bản làng hay ở các dịch vụ homestay.
+ Khi vào nhà, nếu thấy ở cửa nhà, đầu cầu thang có cắm một cành lá xanh, đó là dấu hiệu không muốn người lạ vào nhà.
+ Trong nhà, bàn thờ thường để ở gian giữa nhìn ra cửa chính. Khách khi đến chơi cần tránh đến gần, không đặt các vật dụng cá nhân, không sờ tay lên đồ thờ cúng. Nữ giới không được ngồi quay lưng vào bàn thờ.
+ Người Nùng thường đặt ống hương ở ngoài sàn để cúng ma gầm sàn, người lạ không đến gần ống hương đấy
+ Người Tày có tục thờ Phi Phỉng Phầy (ma bếp lửa), khách đến cần tránh việc to tiếng hay cãi lộn bên bếp lửa.
Để có một chuyến đi nhiều trải nghiệm và trọn vẹn nhất các bạn nên chuẩn bị sẵn một chút kiến thức về kinh nghiệm đi du lịch Cao Bằng các bạn nhé!