Bình Liêu là một huyện miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, phía bắc giáp với huyện Ninh Minh, thành phố Sùng Tả và khu Phòng Thành, thành phố Phòng Thành Cảng (Quảng Tây – Trung Quốc); phía Tây giáp với huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn); phía Đông giáp huyện Hải Hà, phía Nam giáp huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh). Trong những năm gần đây, nhờ có internet và các mạng xã hội mà du lịch Bình Liêu ngày càng trở nên thu hút được khá nhiều khách du lịch, đa phần là các bạn trẻ có đam mê xê dịch.
Những bông lau ở Bình Liêu
Thời phong kiến, Bình Liêu gồm hai tổng Bình Liêu và Kiến Duyên của châu Tiên Yên, thuộc phủ Hải Ninh (phủ Hải Ninh có ba châu: Móng Cái, Tiên Yên, Hà Cối), tỉnh Quảng Yên. Ngày 12-3-1883, thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Quảng Yên, sau đó chiếm Bình Liêu. Ngày 10-12-1906, phủ Toàn quyền Pháp tách 3 châu: Móng Cái, Hà Cối, Tiên Yên khỏi tỉnh Quảng Yên, thành lập mới tỉnh Hải Ninh. Đến ngày 16-12-1919, lại tách hai tổng Bình Liêu và Kiến Duyên khỏi châu Tiên Yên, lập châu Bình Liêu gồm hai tổng: Bình Liêu và Kiến Duyên, thuộc phủ Hải Ninh trong Đạo quan binh thứ nhất, sau là tỉnh Hải Ninh.
Bình Liêu là huyện đa dân tộc (khoảng trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số), với 05 dân tộc chính (dân tộc Tày chiếm 58,4%, dân tộc Dao chiếm 25,6%, dân tộc Sán Chỉ chiếm 15,4%, dân tộc Kinh chiếm 3,7%, dân tộc Hoa chiếm 0,3%) tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng, mang một bản sắc riêng. Về văn hoá, Bình Liêu có tập quán và nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc của nhiều dân tộc. Đồng bào không theo tôn giáo nào, cả huyện không có chùa, nhà thờ, chỉ có mấy ngôi đình nhỏ thờ thành hoàng. Các gia đình và dòng họ chỉ có tục thờ cúng tổ tiên. Sinh hoạt văn hoá xưa kia tập trung nhất là hội au-pò của người Tày và người Sán Chỉ vào các ngày 14,15,16 tháng 3 âm lịch. Những ngày đó, nam nữ thanh niên từ các bản kéo về thị trấn huyện lỵ gặp gỡ tâm tình, hát đối đáp giao duyên bằng các làn điệu dân ca (người ta quen gọi là Chợ tình giao duyên). Người Tày có các điệu sli, tì làu, then. Người Sán Chỉ có hát xoóng cộ và thường từng đôi bạn gặp nhau suốt ngày 16. Trong ngày hội au-pò và những ngày đầu xuân ở bản làng, bà con còn chơi đàn tính, ném còn, chơi gụ.
NÊN ĐI DU LỊCH BÌNH LIÊU VÀO THỜI GIAN NÀO?
Mặc dù là một huyện của tỉnh Quảng Ninh tuy nhiên do là một huyện miền núi nên khí hậu của Bình Liêu sẽ có khá nhiều sự khác biệt so với nền khí hậu chung trên toàn tỉnh. Mùa hè, thời tiết khá mát mẻ nên Bình Liêu đôi khi còn được ví von như một Sapa thu nhỏ của Quảng Ninh, mùa đông nhiệt độ đôi khi xuống khá thấp, không kém gì các vùng vốn nổi tiếng về lạnh như Mẫu Sơn hay Sapa.
– Nếu như bạn thích khám phá thác Khe Vằn, các bạn nên tới Bình Liêu vào khoảng mùa hè, thời tiết của mùa hè mới phù hợp để bơi lội hay nghịch nước.
– Vào khoảng đầu năm (thường sau Tết) là mùa của các lễ hội vùng cao, Bình Liêu cũng vậy.
– Cuối tháng 3 là mùa hoa Trẩu, bạn nào thích chụp ảnh hoa hoét thì hợp lý.
– Vào mùa đông, nếu nhiệt độ năm nào xuống rất thấp thì có thể Bình Liêu sẽ có băng tuyết. Cái này các bạn cần theo dõi dự báo thời tiết thôi.
– Vào cuối thu thì Bình Liêu đẹp hút hồn với những đồi cỏ Lau đầy quyến rũ, có lẽ đây là thời điểm được yêu thích nhất của các bạn trẻ du lịch.
Vẻ đẹp đầy quyến rũ của mùa thu Bình Liêu – Mùa Cỏ Lau
HƯỚNG DẪN DI CHUYỂN ĐẾN BÌNH LIÊU
Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 280 – 300km nên để di chuyển tới Bình Liêu bằng xe máy các bạn gần như sẽ mất khoảng 1 ngày để di chuyển. Một cách khác để tiết kiệm thời gian hơn là các bạn có thể di chuyển tới Tp Hạ Long bằng ô tô khách, sau đó thuê xe máy tại Hạ Long hoặc cũng có thể thuê xe máy tại Cẩm Phả rồi từ đó chạy đi Bình Liêu. Nếu trong lịch trình bạn có ý định du lịch Móng Cái thì cũng có thể thuê xe máy tại Móng Cái bởi từ đây đi tới Bình Liêu khá gần, chỉ khoảng 80km.
KHÁCH SẠN/NHÀ NGHỈ TẠI BÌNH LIÊU
Bởi được ví như Sapa của vùng Đông Bắc nên trong thời gian gần đây Bình Liêu thu hút được khá nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh đến. Du lịch đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội của Bình Liêu nên song song với việc khai thác các thế mạnh du lịch, Bình Liêu cũng rất quan tâm đầu tư vào các dịch vụ lưu trú để phục vụ du khách, đặc biệt là các hình thức lưu trú homestay ở Bình Liêu cũng ngày càng phát triển. Đây là hình thức rất phù hợp với các điều kiện và lợi thế của Bình Liêu và rất được du khách yêu thích bởi ngoài chi phí phù hợp.
Một số khách sạn/homestay tại Bình Liêu các bạn có thể tham khảo:
– Homestay Sống Xanh
+ Địa chỉ: Khe Tiền, Bình Liêu, Quảng Ninh
– Thành Home Stay
+ Địa chỉ: Tĩnh Húc, Bình Liêu, Quảng Ninh
– Homestay A Dào
+ Địa chỉ: Phạt Chỉ, Đồng Văn, Bình Liêu, Quảng Ninh
– Homestay Trưởng Ngố
+ Địa chỉ: QL18C, Tĩnh Húc, Bình Liêu, Quảng Ninh
– Khách Sạn Bình Sơn
+ Địa chỉ: Thị trấn Bình Liêu, Bình Liêu, Quảng Ninh
– Nhà nghỉ Bình Sơn
+ Địa chỉ: Khu Bình Quyền Thị trấn Bình Liêu, Bình Liêu, Quảng Ninh
– Homestay Hoàng Sằn
+ Địa chỉ: Sau UBND xã Hoành Mô, Bình Liêu, Quảng Ninh
– Nhà nghỉ Bốn Mùa
+ Địa chỉ: Hoành Mô, Bình Liêu, Quảng Ninh
CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẸP ĐỂ CHECK-IN TẠI BÌNH LIÊU
1. Thác Khe Vằn
Thác Khe Vằn bắt nguồn từ dãy núi Khe Vằn – Thông Châu với độ cao hơn 1000m so với mực nước biển. Thác nước có 3 tầng nước chảy với độ cao khoảng 100 mét, đổ xuống trắng xóa giữa cỏ cây chen đá. Thác nước kỳ vỹ với dòng thác chảy, các tảng đá lớn nằm phủ phục, hai bên thác là vách đá phủ rêu. Vào mùa mưa, các dòng thác tung bọt trắng tạo thành các hồ nước nhỏ trong vắt dưới chân thác. Thác Khe Vằn với rừng phòng hộ nguyên sơ, thảm thực vật phong phú là điểm tham quan thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên rừng, suối trong mát, tạo cảm giác thư thái cho mỗi du khách được tắm mình với dòng suối thiên nhiên và không khí trong lành.
2. Thác Khe Tiền
Thác Khe Tiền gồm một quần thể thác với hệ thống thác Khe Tiền 1,2,3. Thác được hình thành từ các mạch nước dưới chân núi, tạo thành các dòng nước nhỏ đổ thành thác nước. Thác Khe Tiền nằm giữa khu rừng nguyên sinh thuộc thôn Khe Tiền (bắt nguồn từ hệ thống núi Quảng Nam Châu cao trên 1500m so với mực nước biển). Thác có độ cao 749m so với mực nước biển, độ ẩm không khí cao, quanh năm thác nước nằm trong sương mù dày đặc. Thác nước còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, thi vị.
Quần thể thác Khe Tiền mang vẻ đẹp với các hình thù khác nhau. Thác 1,2 là dòng thác nhỏ tuôn chảy xối tạo thành hồ nước lớn, thác 3 tỏa ra nhiều dòng thác chảy. Dân gian truyền rằng tại thác Khe Tiền có viên đá 7 màu. Vì vậy, khi đặt chân đến thác mọi người đều cố tìm được đá bảy màu
3. Thác Sông Moóc
Thác Sông Moóc là dòng thác nhỏ, một tầng thác cao 10m đổ xuống tạo thành thác nước. Dưới chân thác là hệ thống bãi đá kỳ vĩ với các tảng đá to, nằm phủ phục tạo nên không gian rộng lớn. Diện tích bãi đá hơn 4000m2.
Sông Moóc là bản vùng cao của xã Đồng Văn, tổng diện tích tự nhiên trên 375 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 69 ha (chiếm 18,4% diện tích tự nhiên), do toàn bộ bản nằm trên sườn hệ thống núi Phiêng Chè- Cao Ba Lanh (cao trên 1000m) nên đất nông nghiệp chủ yếu là ruộng bậc thang, khu vực bản Sông Moóc phân hóa độ cao rõ rệt, nơi thấp nhất chỉ cao hơn mực nước biển khoảng 300m, nhưng nơi cao nhất cao hơn mực nước biển trên 700m đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang đẹp mắt với những ngôi nhà còn giữ được kiến trúc bản địa truyền thống giữa lưng chừng núi; bên cạnh đó có rừng quế, rừng hồi thơm ngát trong bản cũng là đặc trưng riêng của khu vực này.
4. Mốc 1305 và sống lưng khủng long
Sống lưng Khủng Long là cụm từ để chỉ sống núi đường lên mốc 1305, để đến được mốc này các bạn cần vượt qua sống núi này (nếu thời tiết thuận lợi, thời gian sẽ mất khoảng 2h). Đây cũng là đoạn đẹp nhất của con đường lên mốc này, tuy nhiên do đường đi lại khá nguy hiểm và vất vả nên nếu không đủ sức khỏe ra tới mốc, các bạn có thể dừng tại đây để chụp ảnh.
Cột mốc 1305 nằm trên đường tuần tra biên giới Bình Liêu. Cột mốc 1305 là một trong hai mốc giới nằm ở vị trí cao nhất trên thực địa Quảng Ninh, cũng là nơi không dễ để có thể chạm tay vào.
Từ ngã rẽ mốc 61 và 68 ở bản Chuồng, rẽ phải về hướng mốc 68 rồi chạy dọc theo đường về Hoành Mô khoảng 5-6km gặp ụ đất bên phải và vạch chỉ hướng lên mốc 1305. Đi vượt qua sống lưng khủng long khoảng 2h bạn sẽ đến được mốc
5. Một số mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc
Có 3 mốc lớn đẹp và thiêng liêng không thể bỏ qua khi đến Bình Liêu Liêu là 1300, 1302, 1305 và 1327. Từ thị trấn Bình Liêu chạy về hướng Hoành Mô trên QL18C khoảng 3-4 km thì rẽ phải vào bản Ngàn Chuồng. Từ bản Ngàn Chuồng rẽ trái phía mốc 61 khoảng 7-8km là hướng mốc 1300, 1302, thời gian đi các mốc chừng 1 tiếng.
6. Đỉnh núi Cao Xiêm
Cao Xiêm – ngọn núi cao 1.429 mét so với mực nước biển, là 1 trong 2 đỉnh núi cao nhất Quảng Ninh. Để chinh phục ngọn núi nhiều kỳ thú này các bạn phải trải qua chặng đường dài khoảng 15km (cả đi và về) với những cung bậc cảm xúc kỳ lạ khi chiêm ngưỡng những cánh rừng thông bát ngát vi vu, bãi cỏ mênh mông lưng chừng núi, một thế giới mờ mờ ảo ảo mây quyện quanh mỗi bước đi…
Theo tài liệu xưa, độ cao của núi Cao Xiêm là 1.330 mét so với mực nước biển. Ngày nay, bằng công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại, đã xác định Cao Xiêm cao 1.429 mét. Với độ cao này, đỉnh Cao Xiêm được coi như “nóc nhà” của Quảng Ninh.
7. Săn mây núi Cao Ly
Núi Cao Ly có độ cao khoảng 1000 mét so với mực nước biển. từ trên đường Lục Ngù – Khe Tiền đi qua núi những ngày đẹp trời du khách có thể nhìn thấy biển, tuy nhiên phần lớn thời gian trên núi là sương mù và mây do gần biển và quá chênh lệch độ cao, du khách vẫn thường đến đây để chiêm ngưỡng những phút giây kỳ ảo giao hòa đất- trời và thưởng thức không khí trong lành tươi mát vừa gió núi vừa gió biển.
Đường Lục Ngù – Khe Tiền đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành trong mùa hè năm 2016 sẽ nối thác Khe Vằn với các điểm du lịch tiềm năng tại Đồng Văn, trên cung đường, du khách sẽ qua núi Cao Ly.
8. Một số địa điểm ruộng bậc thang
Mỗi độ tháng 10 về, cảnh sắc Bình Liêu lại trở nên thơ mộng hơn cùng mùi thơm ngọt ngào của hương lúa, hương rừng là màu vàng trên những cánh ruộng bậc thang êm đềm.
Một số địa điểm tham quan Bình Liêu trong mùa lúa chín:
+ Các bản Khe O, Cao Thắng, Ngàn Pạt (xã Lục Hồn), địa điểm này nằm ở sườn tây núi Cao Xiêm, cách Quốc lộ 18C khoảng trên 3km.
+ Bản Sông Moóc và Khe Tiền (xã Đồng Văn), địa điểm này nằm ở sườn nam của dãy núi Phiêng Chè, cách trung tâm xã Đồng Văn khoảng trên 3km.
+ Bản Ngàn Cậm, Cao Sơn, xã Hoành Mô (đường off road lên Ngàn Cận ngay gần suối con rắn).
Xã Húc Động – Khu vực đường đi thác Khe Vằn.
9. Chợ phiên Bình Liêu
Chợ trung tâm thị trấn Bình Liêu là phiên chợ của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ… trên địa bàn huyện và một số người buôn bán từ các huyện lân cận như Tiên Yên, Đầm Hà. Chợ phiên Bình Liêu mang đậm nét văn hoá chợ vùng cao biên giới. Đồng bào dân tộc đến chợ để gặp gỡ, giao lưu, ăn uống… trao đổi hàng hoá nông sản, đồ dùng thiết yếu. Trước đây, chợ phiên truyền thống ở Bình Liêu thường họp vào các ngày lẻ (thứ 3, 5, 7). Ngày nay, khi điều kiện kinh tế của nhân dân trong vùng phát triển hơn, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng cao, chợ chuyển sang họp thường xuyên để đáp ứng yêu cầu thị trường. Chợ nhộn nhịp nhất vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Đến phiên chợ Bình Liêu vào ngày Chủ nhật, du khách sẽ bắt gặp một không khí sôi động, người bán, kẻ mua tấp nập, cùng với sắc màu rực rỡ bởi những trang phục của đồng bào người dân tộc Dao khi xuống chợ.
Ngoài chợ trung tâm thị trấn Bình Liêu, chợ phiên Đồng Văn cũng mang một nét rất riêng, mặc dù chợ có quy mô nhỏ hơn so với chợ trung tâm thị trấn Bình Liêu. Chợ Đồng Văn họp ở địa bàn trung tâm xã, đây là nơi tụ họp, trao đổi buôn bán và giao lưu văn hoá của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Đồng Văn. Hàng hoá tại chợ cũng rất phong phú, đủ loại từ đồ dùng sinh hoạt, quần áo, giày dép, thực phẩm, đến các đồ nông sản đặc trưng của địa phương… Phiên chợ thường đông đúc vào ngày thứ 7 và Chủ nhật. Đặc biệt, nhất là chợ phiên gắn với “Ngày kiêng gió” của dân tộc Dao Thanh Phán (ngày 4-4 âm lịch). Vào ngày này, người Dao kiêng kị không đi làm nương, rẫy, đi rừng… Họ nghỉ ngơi, tụ tập tại chợ phiên để gặp gỡ, giao lưu cùng nhau ăn uống, hát làn điệu Sán cố, tấu kèn đồng bào mình. Vì vậy, phiên chợ trở nên đông vui nhộn nhịp, mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao.
10. Đình Lục Nà
Đình Lục Nà thuộc xã Lục Hồn, đây là ngôi đình duy nhất hiện nay ở huyện Bình Liêu. Đình Lục Nà đã được xây dựng từ cách đây rất lâu đó là vào thời kỳ Hậu Lê. Đình Lục Nà là nơi thờ thần hoàng làng là ông Hoàng Cần, đây là một vị tướng quân, một vị anh hùng dân tộc đã có công lao rất lớn trong cuộc chiến đấu đánh bại giặc phương Bắc đến xâm lăng đất nước ta, bảo vệ non sông bờ cõi và quê hương yêu dấu. Lễ hội Đình Lục Nà khai hội vào 16 tháng Giêng hàng năm.
MÓN ĂN/ĐẶC SẢN NGON Ở BÌNH LIÊU
1. Củ cải khô Bình Liêu
Củ cải là một sản phẩm truyền thống đã có từ rất lâu tại vùng đất Bình Liêu, Quảng Ninh. Củ cải khô được chế biến từ Củ cải trắng -từng được ví von là nhân sâm trắng do có nhiều tác dụng trong hỗ trợ tăng cường sức khỏe, chữa bệnh- được trồng trên vùng núi cao. Củ cải ở đây rất ngọt và to, thường từ 1-1,5kg/ củ.
Củ cải khô được chế biến thủ công, sau khi thu hái được rửa sạch, để nguyên vỏ, thái khúc, bóp muối để khoảng 30 phút cho củ cải thấm muối và ra bớt nước, phơi ngoài trời nắng, thông gió khoảng 3-5 ngày là được.
2. Mật ong Bình Liêu
Ngày nay do sự khai thác vô tội vạ của con người, nên tìm mua mật ong rừng cũng rất hiếm. Để lấy được một đến hai lít mật ong rừng không phải chuyện dễ, những người chuyên đi lấy mật ong phải vào rừng sâu, vất vả tìm kiếm. Cho nên, nếu muốn mua mật ong rừng, chúng ta phải vào những phiên chợ vùng cao mới có.
Mật ong Bình Liêu được khai thác theo hai hình thức:
– Khai thác trong rừng
– Khai thác từ các tổ ong nuôi trên thôn, khe, bản rừng núi bao quanh
3. Miến dong Bình Liêu
Trước đây, miến dong được bà con sản xuất theo phương pháp thủ công và chỉ phục vụ cho bữa ăn gia đình, ít được đem bán. Hiện nay, nghề sản xuất miến dong ở Bình Liêu rất phát triển, vùng nguyên liệu miến được mở rộng, bà con đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến kết hợp với phương pháp làm miến thủ công truyền thống khiến cho sản lượng miến dong tăng lên, và miến dong Bình Liêu đã được khẳng định trên thị trường là sản phẩm có chất lượng
4. Dầu sở
Dầu Sở chế biến từ hạt cây sở (camellia oleifera) Đây là loại dầu ăn rất tốt cho sức khỏe và được đánh giá chất lượng tương đương với dầu Ô liu ở Châu Âu
5. Vỏ quế Bình Liêu
Cây quế Bình Liêu được trồng nhiều ở các xã Hoành Mô, Đồng Văn… và được khai thác 2 vụ/năm. Vỏ quế dùng thường xuyên có tác dụng bồi bổ sức khỏe và ngăn ngừa một số bệnh cho cơ thể.
Còn tinh dầu quế có màu vàng, thành phần chủ yếu là Aldehyt Cinamic chiếm khoảng 70 – 90%. Tinh dầu quế có vị thơm, cay, ngọt rất được ưa chuộng. Trong các bộ phận của cây quế như vỏ, lá, hoa, gỗ, rễ đều có chứa tinh dầu, đặc biệt trong vỏ có hàm lượng tinh dầu cao nhất, có khi đạt đến 4 – 5%. Tinh dầu quế có tác dụng chống nôn, khử trùng, giảm họ, chống chuột rút, chống đầy hơi, dễ thiêu hóa.
Trên là tất tật những điều cần biết về điểm du lịch Bình Liêu mà các bạn có thể tham khảo trước khi chuẩn bị cho một chuyến đi du lịch/phượt đến Bình Liêu. Nếu bạn muốn đi du lịch Bình Liêu theo tour thì có thể liên hệ ngay với Vietmountain Travel để được tư vấn cụ thể & chi tiết hơn. Chi tiết tour Chùa Ba Vàng – Bình Liêu của vietmountain Travel các bạn có thể tham khải TẠI ĐÂY. Chúc các bạn có chuyến đi vui vẻ!