Du lịch Mù Cang Chải mùa lúa chín sẽ là một sự lựa chọn không hề tồi cho một chuyến đi du lịch hấp dẫn của bạn với những trải nghiệm đầy thú vị khi đến đây. Từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 là mùa lúa chín, lúc này Mù Cang Chải tràn ngập trong một màu vàng óng của lúa chín, hơn nữa thời tiết lúc này khá mát mẻ.
Đến du lịch Mù Cang Chải vào mùa lúa chín, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp vàng óng bất tận đến khó quên của những thửa ruộng bậc thang đang vào độ lúa chín, hay cho đến lang thang khắp mọi ngóc ngách nơi đây để thưởng thức những món ăn đặc sản “LẠ” của vùng cao Tây Bắc Mù Cang Chải này. Cùng khám phá những trải nghiệm đầy thú vị khi đi du lịch Mù Cang Chải mùa lúa chín các bạn nhé.
1. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp đến “Ngỡ Ngàng” của Mù Cang Chải mùa lúa chín
Từ thung lũng Mường Lò vượt đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, những làn sóng vàng ruộng bậc thang trải nghiêng sườn núi cứ ngỡ như của trời tạo hóa hình thành. Đây Tú Lệ mùa nếp chín cốm mới thơm nức từ gió núi tạt về, kia La Pán Tẩn những chàng trai, cô gái trao nhau nui cười duyên tạo dáng chụp hình bên ruộng mâm xôi…
Từng tầng nấc ruộng bậc thang như kiệt tác hiếm có trong nền văn minh lúa nước Việt Nam do đồng bào Mông sáng tạo ra, tựa như có nghệ nhân khổng lồ bí ẩn nào đó xếp hình cho lúa. Sóng vàng uốn lượn khắp sườn núi, lớp lớp gối nhau trải dài triền núi đến bất tận…
2. Trải nghiệm cảm giác “Bay Dù Lượn Trên Không Mùa Vàng”
Từ ngày 20-30/9/2018, huyện Mù Cang Chải sẽ tổ chức Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang với nhiều nội dung hấp dẫn.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 – 25/9/2018), hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới (27/9) và chào mừng kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập huyện Mù Cang Chải (18/10/1957 – 18/10/2018).
Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” tại huyện Mù Cang Chải thường được tổ chức vào trung tuần tháng 9.
Dự kiến lễ khai mạc Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang năm 2018 sẽ diễn ra vào tối ngày 22/9 tại sân vận động Mù Cang Chải với chủ đề “Mù Cang Chải – Bản sắc và hiện đại”.
Festival dù lượn ”Bay trên mùa vàng” được tổ chức từ ngày 22-23/9, Hội thi khèn Mông được tổ chức từ ngày 21-22/9, Hội thi chọi dê tổ chức ngày 23 và 24/9, Hội thi “Gặt lúa nhanh cày bừa giỏi” tổ chức ngày 25/9, Phiên chợ vùng cao tổ chức từ 20-30/9.
Trong khuôn khổ Lễ hội còn có các hoạt động du lịch cộng đồng tại các xã: Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Nậm Khắt và thị trấn Mù Cang Chải với các nội dung như: du khách trải nghiệm những giá trị văn hóa cùng cộng đồng dân tộc Thái, Mông tại các điểm du lịch trên những thửa ruộng bậc thang.
Trải nghiệm những giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông trên những thửa ruộng bậc thang như: gặt lúa, tuốt lúa và sàng, sẩy lúa, se lanh, dệt vải; hướng dẫn cho du khách tham quan các điểm đẹp của Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang và điểm du lịch “Mù Cang Chải Ecolodge” tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt..
3. Tận Hưởng những món ăn đặc sản “Lạ – Hấp Dẫn”
Du lịch Mù Cang Chải ngoài việc tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của những cánh đồng lúa chín thì đến đây du khách cũng không thể bỏ qua các món ăn đặc sản tại Mù Cang Chải. Dạo quanh khắp thị trấn tại Mù Cang Chải du khách sẽ có dịp thưởng thức những món ăn không thể bỏ qua và rất khó quên như:
+ Thịt lợn quay, lợn treo gác bếp:
Trong các bản làng lợn đen được chăn thả tự do nên thịt chắc, thơm. Từ nguyên liệu đó kết hợp với các cách chế biến lâu đời đã cho ra các món ăn say lòng du khách. Bên cạnh các món xào, luộc người ta còn chế biến món lợn quay vô cùng đặc biệt. Lợn được kẹp cây rừng nướng tẩm ướp với gia vị rừng đặc trưng của vùng như hạt mắc khén, hành tươi… cho vào lá rong tươi bọc vài lớp, kép tre nướng trên bếp than hoa.
Khi thưởng thức, món ăn ngon lạ kỳ với mùi thơm quyến rũ của những gia vị quyện với vị ngọt của thịt khiến người ăn khó thể cưỡng lại. Bên cạnh đó, người ta còn sử dụng thịt nạc đêm sơ chế tẩm ướp rồi đem khác lên bếp. Thịt được chín bằng hơi nóng của bếp củi hằng ngày cho ra món thịt thơm dai ngon không kém gì thịt trâu gác bếp đắt tiền.
+ Châu chấu rang:
Châu chấu có quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa gặt, khoảng tháng 5 và tháng 9,10. Vào mùa, châu chấu rang với lá chanh và ớt thơm ngậy, giòn béo là món ăn hấp dẫn khi đến Mù Cang Chải. Món ăn này nếu ai chưa thử qua sẽ thấy sợ nhưng đến khi ăn rồi thì có thể thòm thèm mãi không thôi.
+ Cua suối rang:
Cua suối sống trong các hốc đá trên suối ở vùng cao. Thịt cua suối thơm, chắc và có thể chế biến được nhiều món. Một trong những món ngon nhất của cua suối là cua suối rang muối. Cua sau khi bắt về bóc mai, rửa sạch để cho ráo nước. Cho dầu vào chảo đun sôi, bỏ tỏi vào xào thơm sau đó cho cua vào đảo cho đều, rắc muối lên rang cho đến khi cua chín vàng đem ra thưởng thức với vi vừa thơm vừa giòn và ngọt.
+ Xôi ngũ sắc:
Xôi ngũ sắc là món ăn phổ biến trong các dịp lễ tết của đồng bào Tây Bắc, đặc biệt với người Thái tại Yên Bái. Xôi được nầu từ gạo nếp nương hạt dài chắc mẩy thơm ngon kết hợp cùng các nguyên liệu tự nhiên nhuộm màu cho xôi. Mỗi màu xôi là một loại lá cây rừng mang một hương vị khác nhau như: Màu xanh, đỏ được làm từ cây cơm xôi xanh, cơm xôi đỏ. Với loại màu đen hay tím, người nấu dùng lá cây gùn.. Tất cả tạo nên một đĩa xôi thơm dẻo mang hương vị núi rừng đầy màu sắc.
+ Cốm Tú Lệ:
Tú Lệ vốn nổi tiếng với loại gạo nếp cho ra món xôi Tú Lệ thơm dẻo vô cùng. Tuy nhiên, ở Tú Lệ còn có một đặc sản khác đó chính là cốm Tú Lệ có hương vị thơm ngào ngạt của lúa nếp non và vị ngọt ngào thanh mát chứa đựng tinh túy của đất trời.
Để làm ra những hạt người ta dùng lúa non còn nguyên sữa gặt đem về làm cốm. Lúa để làm cốm đem tuốt, sàng bỏ rơm và những hạt thóc lép, đãi qua nước rồi cho vào chảo rang. Bếp lò để rang cốm thường phải đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi.
Chảo rang cốm thường bằng gang đúc, có như vậy từng hạt cốm khi rang xong sẽ không bị cháy mà mềm dẻo, thơm ngon. Cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều. Rang xong, người làm cốm đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã. Thóc được giã đều tới khi thấy có trấu thì xúc ra xảy bỏ rồi lại giã tiếp.
Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng, trung bình khoảng 10 lần giã là hoàn tất. Cốm thường được ăn cùng với chuối chín, trái hồng đỏ chín cây hoặc cũng có thể dùng để nấu cháo vịt, xôi nếp, chè và nêm vào các món như: nem rán, tôm rán, thịt chiên…
+ Bánh chưng đen:
Bánh chưng đen là món ăn độc đáo của người Thái Mường Lò tại tỉnh Yên Bái. Bạn có thể bắt gặp món ăn này trong các phiên chợ.
Điều đặc biệt của bánh chưng đen là hình dáng của bánh và màu sắc. Người Thái gói bánh chưng hình trụ. Gạo nếp nương được ngâm với lá cây núc nác để có màu đen đặc trưng. Các nguyên liệu bao gồm lá dong rừng, thịt lợn rừng hoặc lợn cắp nách. Khi ăn, bánh sẽ được cắt thành từng khoanh nhỏ hoặc ăn nguyên cả chiếc sẽ thấy vị dẻo và thơm bùi từ vỏ tới nhân bánh.
+ Cá nướng pa pỉnh tộp:
Món ăn này mang tên gọi khá lạ, tên món ăn xuất phát từ tiếng Thái. Đồng bào dân tộc nơi đây chỉ sử dụng cá chép suối để nướng và chế biến theo công thức được truyền từ đời này sang đời khác của người Thái. Trước khi nướng cá được ướp với quả mắc khén, gừng, tỏi, rau thơm,… Sau đó được đặt nướng trên than hoa đỏ lửa. Tất cả tạo nên một món ăn vô cùng thơm ngon với thịt cá dai mềm, ngọt thơm hòa quện tạo nên hương vị khó quên.
4. Cùng bạn bè hay tự Check-In tại những điểm được coi là khó quên nhất.
Đến Mù Cang Chải, bạn cũng đừng quên rủ bạn bè hoặc có thể 1 mình đi đến để chụp hình check-in những bức ảnh đáng nhớ và tuyệt vời nhất. Để có những bức hình kỷ niềm đẹp và đáng nhớ, bạn có thể đến một số các điểm du lịch như:Đèo Khau Pạ, Thung lũng Tú Lệ, Bản làng Pú Nhu, Cầu Ba Nhà, Bản Lìm Mông, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình…Đó là những điểm check-in rất đẹp khi bạn đi Mù Cang Chải vào mùa lúa chín đó nhé.